Tốt nghiệp ngành sinh học – Đại học Khoa học Thái Nguyên, bằng niềm say mê, sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm, anh Lê Văn Mùa, ở khu La B, thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng đã xây dựng mô hình trồng nấm và có những được thành công trên con đường khởi nghiệp...
Anh Lê Văn Mùa chia sẻ việc ấp ủ mô hình trồng nấm rơm đã theo đuổi anh từ thời điểm khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng khó khăn nên khi ấy, anh và người bạn cùng phòng đã tự tìm hiểu để trồng nấm ngay trong phòng trọ sau đó bán để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp, anh Mùa quyết tâm theo đuổi ước mơ khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm. Dù có những khó khăn ban đầu như thiếu vốn, nấm trồng ra chưa đạt chất lượng như ý… nhưng không vì thế anh nản chí.
Với những kinh nghiệm tích lũy được sau những lần thất bại, năm 2016, anh Mùa quyết định vay vốn để mở rộng mô hình theo hướng trang trại. Đến nay, trang trại của anh đã có 4 khu nhà xưởng để trồng nấm, mỗi nhà xưởng diện tích từ 180-200m2 trồng các loại nấm rơm, nấm sò theo hướng hữu cơ. Bởi theo anh đây là ngành nghề không đòi hỏi lượng vốn lớn lại mở ra hướng xử lý các phế phẩm từ thu hoạch lúa là rơm rạ. Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 12 mỗi năm sản lượng nấm đạt 1 tạ/ngày và cũng giúp anh có nguồn thu từ 70-80 triệu đồng/năm.
Dù bước đầu ổn định trong phát triển mô hình trồng nấm, thế nhưng anh Mùa vẫn mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện để anh có thể tiếp cận được nguồn vốn vay hợp lý, với những thủ tục đơn giản. Bởi hiện nay, hầu hết số vốn anh đang vay vẫn là vay từ nguồn bên ngoài. Thời gian tới, anh Mùa dự định sẽ mở rộng quy mô trồng nấm, tạo thêm việc làm cho thanh niên tại địa phương./.
Nguồn: Cổng TTĐT huyện Cẩm Giàng