Theo tổng hợp báo cáo của Trạm Y tế thị trấn, tính đến ngày 02/10/2023 toàn thị trấn ghi nhận 03 trường hợp mắc sốt xuất huyết (ca ngoại lai), 687 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, chủ yếu là học sinh Tiểu học và Mầm non. Các ổ dịch mắc rải rác trong toàn thị trấn, không ghi nhận các ca bệnh nặng. Thực hiện Công văn số 3675/UBND-VP ngày 02/10/2023 của UBND tỉnh Hải Dương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh đau mắt đỏ. Để tăng cường kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài trên địa bàn thị trấn, Chủ tịch UBND thị trấn yêu cầu trưởng các cơ quan, đơn vị; các ban, ngành đoàn thể thị trấn; Trưởng các thôn, khu dân cư trên địa bàn tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
1. Trạm Y tế thị trấn
- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, đơn vị và cộng đồng; phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thị trấn cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hoá chất, thiết bị phòng chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế.
- Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng tại khu vực ổ dịch theo quy định. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.
- Tổ chức khám, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; cập nhật và theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính); chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đồng thời có kế hoạch chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn của cấp trên.
Củng cố đội ngũ y tế thôn, khu dân cư thường xuyên nắm bắt, giám sát công tác phòng, chống dịch đau mắt đỏ tại các thôn, khu dân cư phụ trách, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
2. Cán bộ Văn hoá - Thông tin; Đài Truyền thanh thị trấn phối hợp với Trạm y tế thị trấn tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế; khuyến cáo đưa người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có biểu hiện nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, nặng lên hoặc không cải thiện, mắt có mủ hoặc chất nhầy, sốt kèm theo đau nhức; tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
3. Các Trường học trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để; Trường Mầm non thị trấn cần đảm bảo vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo mỗi trẻ có một khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; phối hợp cha mẹ đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để có cách dùng thuốc phù hợp.
4. Căn cứ theo tình hình dịch bệnh, Công chức Tài chính-Kế toán thị trấn phối hợp với Trạm Y tế thị trấn tham mưu trình UBND thị trấn cấp bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ động hướng dẫn các nội dung chi, mức chi theo quy định để thống nhất triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn theo đúng quy định.
5. Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân dọn bỏ các vật dụng phế thải như lốp xe, vỏ lon, hộp nhựa, chum vại, chậu, thùng nhựa vỡ... đậy kín các vật dụng chứa nước mưa, nước sinh hoạt, thường xuyên thay nước bình hoa, thả cá để cá ăn lăng quăng, bọ gậy, khơi thông hố nước tù, đọng... để loại bỏ nơi trú ngụ, sinh sản, phát triển của muỗi;
Tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng, khuyến cáo người dân không nên tự mua thuốc điều trị bệnh, tránh gây biến chứng nặng mà phải đến ngay cơ sở y tế để khám, chẩn đoán nguyên nhân chính xác và có hướng điều trị đúng, kịp thời.
Phối hợp tham gia tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở thôn, khu dân cư góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
6. Các thôn, khu dân cư
- Phối hợp với Trạm Y tế thị trấn tuyên truyền và chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và đau mắt đỏ; phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, diệt lăng quăng, bọ gậy, rửa mặt bằng nước sạch (không dùng chung khăn mặt), rửa tay bằng nước sạch với xà phòng…
- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, báo cáo tình hình dịch bệnh về UBND thị trấn (qua Trạm y tế thị trấn) để tổng hợp, kịp thời xử lý.
Căn cứ nội dung Công văn, Chủ tịch UBND thị trấn đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan; Trưởng các ban, ngành, đoàn thể thị trấn; các đồng chí Trưởng thôn, khu dân cư nghiêm túc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết và bệnh đau mắt đỏ theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về UBND thị trấn (qua Trạm y tế thị trấn) để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời./.