Hiện nay, việc xả thải rác sinh hoạt từ các cơ quan, nhà hàng, các hộ gia đình trên địa bàn thị trấn Lai Cách ra môi trường ngày càng gia tăng. Theo thống kê của bộ phận chuyên môn thuộc UBND thị trấn Lai Cách, hàng tháng trên địa bàn thị trấn có khối lượng rác thải sinh hoạt rất lớn, trung bình mỗi ngày trên 8 tấn rác (khảo sát tại những đơn vị có Hợp đồng với Công ty Đô thị Môi trường Hải Dương).
Việc xả thải rác sinh hoạt lớn như vậy, ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh môi trường cũng như khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý. Việc phân loại rác ngay tại nguồn chưa được các hộ gia đình quan tâm và xử lý đúng cách, dẫn đến khối lượng rác xả ra ngoài là rất lớn.
Trong đó, Ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như phân loại rác thải. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác – bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/ thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người.
Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác, tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.
Hãy bắt đầu thực hiện việc phân loại rác từ việc tại mỗi hộ gia đình đều phải có các loại túi đựng rác để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế riêng biệt. Từ đó các công tác thu gom vận chuyển cũng phân loại ngay để xử lý.
Có thể nói, việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường. Nếu các gia đình luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn.
Qua đây, giúp người dân hiểu rõ và thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà đúng quy định, nhằm giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, giảm chi phí thu gom vận chuyển xử lý cho người dân và nguồn ngân sách nhà nước. Từ đó, góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh.
Hãy hành động vì một tương lai trong lành hơn và tất cả là vì một tương lai không còn ô nhiễm.
Hình ảnh: ST.