Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) tốt hơn. Trong khi đó, chính phủ số (CPS) là chính phủ đưa toàn bộ hoạt động của mình lên môi trường số, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép DN cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Xây dựng CPS là quá trình chuyển đổi số (CĐS) của Chính phủ.
Người dân đóng vai trò quan trọng
Một trong những thước đo của chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ hành chính công (DVHCC) trực tuyến. Còn một trong những thước đo chính của CPS là số lượng DVHCC giảm đi, số lượng dịch vụ công mới, mang tính sáng tạo phục vụ xã hội tăng lên, nhờ công nghệ số và dữ liệu.
CPS là cấp độ tiếp theo của chính phủ điện tử. Ở đó, mọi thứ được số hóa. Các nền tảng cho phép làm việc thông minh và hiệu quả hơn. Bộ máy trở nên minh bạch. Các quyết định được hỗ trợ định lượng. Nhiều loại hình dịch vụ mới được cung cấp.
Đặc biệt, CPS được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thì được gọi là chính quyền số. Tuy cùng bản chất nhưng chính quyền số liên quan đến các nhiệm vụ địa phương và trực tiếp với người dân. Theo kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển CPS, chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thì khung nội dung kế hoạch phát triển chính quyền số cấp tỉnh, gồm: hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển hệ thống nền tảng; phát triển dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin và phát triển nguồn nhân lực.
Theo Đề án CĐS của tỉnh, một trong các nội dung tập trung phát triển chính quyền số là chú trọng vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trên cả thiết bị di động thông minh để người dân, DN có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí. Đảm bảo 100% các ngành hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số. Tạo lập dữ liệu thống kê phục vụ quản lý số liệu chuyên ngành, tổng hợp số liệu chỉ tiêu kinh tế - xã hội.Việc thực hiện chính quyền số phải gắn liền với việc nâng cao được hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cụ thể, ứng dụng công nghệ số và dữ liệu để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, quy định tốt hơn; ứng dụng công nghệ số và dữ liệu để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp để phục vụ người dân, DN tốt hơn và nhanh hơn. Ứng dụng khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu tích hợp toàn tỉnh.
Tại mỗi đơn vị phải xây dựng, hoàn thiện phần mềm ứng dụng thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ và với các đơn vị khác để nâng cao hiệu quả. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp DVCTT; đảm bảo liên kết, chia sẻ, kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh.
Người dân đóng vai trò quan trọng trong phát triển CPS, chính quyền số. Kết quả cuối cùng và quan trọng nhất của CPS, chính quyền số là cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân và DN. Đề án CĐS của tỉnh xác định, trong phục vụ người dân và DN thì phải tích hợp các dịch vụ sao cho người dân và DN chỉ cần cung cấp thông tin 1 lần, dùng 1 tài khoản đăng nhập để sử dụng cho tất cả các ứng dụng, DVCTT của tỉnh. Đồng thời, có các giải pháp để nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân bằng các ứng dụng, phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân, DN tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, có hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, UBND thị trấn Lai Cách tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong thực hiện thủ tục hành chính cấp xã trên địa bàn thị trấn Lai Cách.
- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: Là dịch vụ công trực tuyến cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: Là dịch vụ công trực tuyến cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tổ chức, công dân có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Chỉ sau vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối Internet, hồ sơ đăng ký đã được gửi tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tra cứu thông tin về thủ tục, tình trạng hồ sơ nhanh chóng, thuận lợi.
Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ngoài việc tổ chức, công dân có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi mà người sử dụng còn nhận được kết quả giải quyết thủ tục hành chính gửi qua đường bưu điện, người sử dụng sẽ thực hiện thanh toán phí, lệ phí, cước phí bưu chính theo quy định (nếu có). Hay nói đơn giản hơn là với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tổ chức, công dân không cần đến cơ quan nhà nước mà vẫn có thể đăng ký và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, nhờ ứng dụng phần mềm để liên thông giữa các ngành nên rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ (như thủ tục đăng ký khai sinh); giảm giấy tờ, giảm công sức và thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho tổ chức, công dân.
* Lợi ích khi tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3
- Thủ tục đăng ký đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện 24/24 giờ trong ngày tại mọi địa điểm có kết nối Iternet;
- Tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch, đơn giản thủ tục giấy tờ;
- Chủ động các công việc khác của công dân;
- Theo dõi được tình trạng hồ sơ trên website trực tuyến; qua tin nhắn điện thoại; địa chỉ email;
- Đảm bảo công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục.
* Lợi ích khi tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Ngoài các lợi ích khi tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thì công dân tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có thể không cần đến cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục hành chính và được nhận kết quả tại nhà.